Chuyển hướng, khắc phục xuất khẩu cá ngừ lao dốc từ thị trường EU

Chuyển hướng, khắc phục xuất khẩu cá ngừ lao dốc từ thị trường EU

Do nhiều yếu tố tác động, kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường EU, khiến kim ngạch XK mặt hàng này ngày càng giảm mạnh. Các doanh nghiệp chuyển hướng XK, bù đắp phần thiếu hụt từ thị trường này.



Cá ngừ XK sang EU sụt giảm liên tục trong quý 2


Theo số liệu thống kế của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam sang EU đã sụt giảm liên tục trong quý 2/2022. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 trị giá XK cá ngừ sang khối thị trường này vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 77 triệu USD.


Phân tích của bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong số các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam XK sang khối thị trường EU, XK các mặt hàng thịt, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Cùng với nhóm sản phẩm này, XK cá ngừ đóng hộp cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 (trừ HS0304) và cá ngừ chế biến khác mã HS16 của Việt Nam lại tiếp tục giảm.


Đức, Bỉ và Hà Lan là 3 nước đứng đầu khối EU về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Bỉ và Hà Lan tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan trong 3 tháng trở lại đây, XK sang Đức lại sụt giảm liên tục. Điều này đã khiến cho giá trị XK cá ngừ sang thị trường Đức trong nửa đầu năm nay giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.


Việc các nước EU mở cửa đón khách du lịch trở lại cũng làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh có giá trị cao. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp cỡ lớn phục vụ cho chuỗi dịch vụ thực phẩm, nhà hàng… tăng đã giúp khôi phục nhập khẩu cá ngừ trong 6 tháng đầu năm nay.


Tuy nhiên, đồng EUR hiện đang giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Các nước đang lo ngại về khả năng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu và khiến khu vực này rơi vào suy thoái bất cứ lúc nào. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả ngành đánh bắt và chế biến cá ngừ của các nước EU, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp XK cá ngừ Việt Nam.


Giá các sản phẩm cá ngừ tăng do chi phí hàng hoá cần thiết tăng cao hơn, đồng USD mạnh có thể khiến cho các sản phẩm cá ngừ cuối cùng nhập khẩu vào EU từ các nước ngoài khối như Việt Nam, Philippines, Ecuador trở lên đắt đỏ hơn. Chính điều này đã làm ảnh hưởng tới XK cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU trong 3 tháng qua.


Ngoài ra, theo các doanh nghiệp XK cá ngừ, thông thường những tháng đầu năm là thời điểm thuận lợi để gia tăng đơn hàng XK sang các thị trường EU do tác động từ các thỏa thuận về ưu đãi thuế quan theo Hiệp đinh Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).


Tuy nhiên năm nay, do giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt cá ngừ của cả nước, khiến cho nguồn cung cá ngừ nguyên liệu đảm bảo quy tắc xuất xứ theo FTA giảm. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam theo mẫu của EVFTA còn nhiều bất cập khiến cho nhiều lô hàng XK sang khối thị trường này bị đình trệ.


Tất cả những yếu tố trên tác động, kìm hãm sự tăng trưởng XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường EU. Dự kiến, XK cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới.


Chuyển hướng xuất khẩu


Để bù đắp cho thị trường EU, các doanh nghiệp XK cá ngừ Việt Nam đã chuyển hướng, gia tăng XK sang các nước khác. Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính hầu hết đều tăng trưởng tốt.


Trong đó, với thị trường CPTPP, XK cá ngừ sang Canada, Nhật Bản và Mexico tiếp tục đà tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 6/2022, CPTPP là khối thị trường XK lớn thứ 3 của các doanh nghiệp XK cá ngừ Việt Nam (sau Mỹ và EU). Nhu cầu nhập khẩu cá ngừ từ các nước tham gia hiệp định này đạt 68 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK sang Canada tăng 68%, sang Nhật Bản tăng 26% và sang Mexico tăng 30%.


Bên cạnh đó, thị trường Pháp cũng được các doanh nghiệp chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ sang thị trường này đạt gần 3 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp. Các mặt hàng thịt, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 vẫn là mặt hàng XK chủ lực sang thị trường này, chiếm 63% tổng giá trị XK.


Theo VASEP, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 14 cho thị trường Pháp trong số các nguồn cung ngoài khối EU. Ngoài các thị trường XK lớn trên, 6 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ sang Arập Xêut, Thái Lan, Philippines hay Nga vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị XK sang Arập Xêut đạt 1,2 triệu USD, sang Thái Lan tăng 59%; Philippines tăng 86%...


Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 553 triệu USD, tăng 56%. Dự kiến, kim ngạch XK cá ngừ cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2021.