Bất chấp nhiều khó khăn, nửa đầu năm nay XK hàng hoá của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 con số, xuất siêu ước đạt 710 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình XK trong nửa cuối năm tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, thách thức, buộc các ngành hàng XK phải có những tính toán hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, về đích như mục tiêu đề ra.
Tận dụng tốt các FTA
Nhìn vào kết quả XK cũng như xuất siêu của Việt Nam nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ, Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: việc các DN duy trì được những thị trường XK truyền thống lớn, đồng thời tận dụng khá tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là nguyên nhân quan trọng giúp XK thu về kết quả tăng trưởng 2 con số.
Nông, lâm, thuỷ sản là một trong những nhóm hàng có tăng trưởng XK khá ấn tượng trong nửa đầu năm nay với tổng trị giá XK đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, ngành nông nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các FTA để thúc đẩy XK nông sản.
“Các đơn vị tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, XK chính ngạch vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil; đồng thời, các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông cũng được khai thác tốt”, ông Nguyễn Văn Việt nói.
Bên cạnh điểm sáng trong XK nông, lâm, thuỷ sản, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như dầu thô, than đá cũng góp phần tăng trị giá XK hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
"Việt Nam là một nước vừa XK, vừa NK nhiên liệu. Sự căng thẳng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine đã góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới lên. Một mặt, Việt Nam phải NK xăng dầu, điều này cũng ảnh hưởng về trị giá NK đối với nhóm mặt hàng này. Mặt khác, Việt Nam lại XK dầu thô và than đá. Trong 6 tháng đầu năm, dù lượng XK các mặt hàng này giảm nhưng trị giá XK vẫn gia tăng. Điều này cho thấy sự cân bằng ở mức tương đối trong cán cân XNK đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng, nhiên liệu…", ông Trần Thanh Hải phân tích.
Thách thức từ chi phí đầu vào tăng cao
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: thời gian qua, các DN sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của DN tăng). Một số nhóm hàng do các DN FDI sản xuất giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và XK. Đáng chú ý, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và XK của Việt Nam như: làm giảm nhu cầu NK hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. “Tình hình XK hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định. Tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao sẽ tạo thêm khó khăn cho hoạt động XNK. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... Bởi vậy, khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.
Một số chuyên gia kinh tế lưu ý, tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến XK của Việt Nam. Đây là khía cạnh mà các DN XNK phải quan tâm, có tính toán phương án ứng phó phù hợp.