Xuất khẩu xơ, sợi Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, vượt qua Hàn Quốc

Xuất khẩu xơ, sợi Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, vượt qua Hàn Quốc

Mức tăng trưởng xuất khẩu xơ, sợi từ đầu năm đến nay được đánh giá duy trì khá tốt. 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, vượt qua cả Hàn Quốc...

Xuất khẩu xơ sợi Việt Nam đứng thứ 6 thế giới.Xuất khẩu xơ sợi Việt Nam đứng thứ 6 thế giới.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải... của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 18,73 tỷ USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt 14,99 tỷ USD (tăng 22,2%), xơ sợi 2,37 tỷ USD (tăng 10%), vải địa kỹ thuật 376,8 triệu USD (tăng 27%) và nguyên phụ liệu 979,8 triệu USD (tăng 19,2%).

NHIỀU CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ PHẦN

Còn theo con số của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2021 là 5,6 tỷ USD.

Với kết quả này, VCOSA cho biết Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới.

Dệt may của Việt Nam, đặc biệt là sợi tái chế, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu.

Theo phân tích của VCOSA, hai khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU có xu hướng giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xơ, sợi và dệt may trong tương lai.

Bên cạnh đó, theo WHO, các biến thể mới Covid-19 sẽ tiếp tục xuất hiện vào năm 2022 và thời gian để Covid trở thành loài đặc hữu vẫn còn rất chưa chắc chắn. Do vậy, phân khúc xơ và sợi của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố phục hồi chính và sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với may mặc, do việc sản xuất chủ yếu được thực hiện bằng máy móc.

Ngoài ra, một yếu tố khác nữa tạo cơ hội cho các sản phẩm xơ, sợi của Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Đó là hiện nay, sợi nhân tạo tổng hợp từ dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên chiếm hơn 60% thị phần sợi toàn cầu. Do đó, xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp và dự kiến sẽ làm tăng giá sản xuất xơ sợi vào năm 2022.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ đang tác động và làm thay đổi cũng như mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất, trong đó có ngành sợi phát triển.

Theo đó, những lợi thế cũ trong ngành sợi như nhân công giá thấp, nguyên vật liệu truyền thống... sẽ không còn, một loạt các sản phẩm mới được nghiên cứu chế tạo thành công (đặc biệt các sản phẩm sợi tái chế).


Mặt khác, triển vọng phát triển bứt phá của ngành xơ, sợi còn đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới như CPTPP, EVFTA, RCEP,...

ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ NHIỀU DỰ ÁN MỚI

Báo cáo của VCOSA cũng cho thấy, để nắm bắt các cơ hội từ thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu xơ, sợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường đầu tư mới, mở rộng sản xuất để đón đầu sự dịch chuyển nguồn hàng từ Trung Quốc.

Đơn cử, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) trong 2 năm 2023-2025 sẽ tiếp tục đầu tư Nhà máy sợi 3 tại Hà Nam, quy mô 39.000 cọc sợi - 10.800 tấn/năm với tổng vốn dự kiến 750 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã hoàn thành đầu tư Nhà máy sợi có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị sản xuất sợi của Vinatex, với tổng mức đầu tư 511 tỷ đồng. Nhà máy đạt công suất thiết kế khoảng 500 tấn/tháng, mặt hàng mục tiêu là sợi 100% cotton chải kỹ và chải thô có chỉ số bình quân Ne 32 - 34, hướng tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Âu.

Nhà máy mới sẽ giúp tiết kiệm được lực lượng lao động, đồng thời cải thiện năng suất. Quy mô 30.000 cọc sợi, nhưng chỉ cần 130 lao động, giảm được một nửa số lao động so với nhà máy cũ. Nhà máy cũng được lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, hướng tới tiết kiệm nguồn năng lượng, bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Công ty TNHH Sợi Dệt Hương Sen Comfor tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 lên thêm 43.000 cọc sợi với thiết bị nhập khẩu đồng bộ từ châu Âu. Dự kiến đi vào hoạt động quý 1/2023, nâng tổng công suất lên 13.500 tấn sợi/năm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cũng đã khởi động dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng biến nơi đây trở thành khu phức hợp công nghệ cao, sản xuất chuỗi công nghiệp sợi - dệt - hoàn tất - may mặc - da giày - phụ kiện thời trang hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Dự án được xây dựng tại khu công nghiệp Đức Hòa III, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, với tổng diện tích là 85ha. Dự án chia làm 3 giai đoạn: đầu tư vào đất, hạ tầng kỹ thuật; đầu tư các nhà máy dệt, hoàn tất, phụ trang, trung tâm trưng bày sản phẩm, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư nhà máy kéo sợi, kho vận.