Đà tăng trưởng của ngành hàng rau quả được nhận định vẫn chưa thể bứt phá trong năm 2022, nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xét ở góc độ thị trường xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin: hàng rau quả xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ và châu Âu tăng tỷ trọng trong nửa đầu năm 2022.
Thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất thế giới. Trong 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ đạt 25,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,75% tổng trị giá nhập khẩu, tăng 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, dư địa xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Mỹ là rất lớn.
Mỹ và châu Âu là các khu vực có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả. Vì vậy, xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo về chất lượng, độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng xuất khẩu để các nhà bán lẻ có thể đặt hàng dài hạn.
Trong khi xuất khẩu rau quả ghi nhận tín hiệu khả quan ở khu vực thị trường châu Mỹ, châu Âu trong nửa đầu năm, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Á lại đang có xu hướng giảm. Lý do là bởi, trị giá xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 10,3 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”. Với từng loại trái cây, Cơ quan kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Dù vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, xét trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, thị trường Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn.
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Tín hiệu tích cực thể hiện khá rõ ở chỗ, một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới.
Cụ thể, từ 1/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Ngày 11/7/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuy vậy, đà tăng trưởng của ngành hàng này vẫn chưa thể bứt phá trong năm 2022, nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, các doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả của Việt Nam phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường "khó tính", kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
(Nguồn: Báo Hải Quan Online)