Vương quốc Anh sẽ ủng hộ Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward vào ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Vương quốc Anh đang tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt và những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu lớn. Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 48,6 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2020. Các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Anh tăng trưởng tới 71% so với năm 2020”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông lâm thủy sản Việt Nam đang có lợi thế khi xuất khẩu sang Anh, bởi việc thực thi UKVFTA với 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Anh nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản và Top 3 xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Cùng với đó, hạt điều, cà phê gạo là những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Anh.
Thực thi UKVFTA, thuế đối với sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vào Anh đã giảm xuống bằng 0%, khiến Anh là thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam dù kim ngạch năm 2021 chỉ mới đạt 100 triệu USD. Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Anh năm 2021 đạt 34,65 nghìn tấn, trị giá 66,16 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê sang Anh 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục tới 180% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Anh, nông sản Việt Nam đang phải vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, kiểm soát dư lượng đạt trên 800 hoạt chất…
Ông Gareth Ward cho biết Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, có chính sách thương mại tự do và nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn cũng như có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước.
Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Hơn nữa, chủ trương kế thừa toàn bộ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các FTA này; trong đó, có FTA Việt Nam-EU (EVFTA).
"Việt Nam và Anh có mối quan hệ ngày càng gắn kết. Hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau" ông Gareth Ward nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sắp tới, Anh sẽ triển khai một loạt ký kết FTA với 19 quốc gia đồng thời chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi các hiệp định này được ký kết, lợi thế UKVFTA của doanh nghiệp Việt không còn nữa, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều trong khâu sản xuất, gia tăng tiếp cận để tham gia thị trường Anh cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, cần phải chủ động được công nghệ bảo quản, sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất thúc đẩy việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về lĩnh vực nông nghiệp. Đây sẽ là biên bản rất quan trọng của hai nước về thương mại nông lâm thủy sản.
Đồng thời, đề nghị Vương quốc Anh hỗ trợ hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, về canh tác nông nghiệp. Thuốc bảo vệ thực vật là một trong những rào cản với xuất khẩu nông sản. Việt Nam theo xu hướng chung trên thế giới là thực hiện nông nghiệp tuần hoàn và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với các sản phẩm thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Vương quốc Anh tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường này. Đây là sản vật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chất lượng thịt thơm ngon.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác về thương mại gỗ, cụ thể là xây dựng thỏa thuận hợp tác toàn diện trong ngành lâm nghiệp, sớm ký kết hiệp định thương mại giữa hai chính phủ về thương mại gỗ.
Hai bên cần phối hợp triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cam kết khác có liên quan đến ngành nông nghiệp là sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”. Bộ Nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030.
"Vương quốc Anh hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam bảo vệ cảnh quan bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm hao hụt thực phẩm" Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất, đồng thời cho rằng hai bên cần tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp nông nghiệp giữa hai nước nhằm tăng cường thương mại nông sản.
Ông Gareth Ward nhấn mạnh, những cam kết của Việt Nam ở COP26 gửi những tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế. Trong 4 năm nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, ông đã được đi đến 43 tỉnh thành và luôn ấn tượng với người nông dân Việt Nam. Ông Gareth Ward khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.