Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao, thị trường vận tải biển có xu hướng lắng dịu.
Dự báo, vận tải container ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang có xu hướng chững lại do tác động của lạm phát cao. Vì vậy, ngành vận tải biển sẽ khó duy trì mức tăng mạnh trong nửa cuối năm.
Đầu năm 2022, triển vọng của lĩnh vực vận tải container đến từ sự tăng vọt giá cước. Bước sang 6 tháng cuối năm, triển vọng đó có sự thay đổi mặc dù nhiều yếu tố vẫn giữ nguyên như giá cước vẫn ở mức cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, cộng thêm mùa cao điểm truyền thống trong quý III. Lloyd's List nhận định, ngành vận tải biển vẫn duy trì lợi nhuận khủng trong cả năm, nhưng không còn tăng trưởng ở mức đỉnh.
Ví dụ như Chỉ số vận tải hàng hóa bằng container tại Thượng Hải (SCFI) đã giảm trở về ngang với mức chỉ số của tháng 6/2021, trong khi Chỉ số vận tải container thế giới của Drewry (DWCI) hiện thấp hơn 10% so với năm trước.
Chỉ số vận chuyển hàng hóa container của Thượng Hải (1/2018 – 6/2022). Nguồn: Lloyd's List
Số liệu Thống kê giao dịch container cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, với khối lượng tính đến tháng 4/2022 giảm 5,6% so với năm trước.
Khối lượng vận tải bằng container (2020-2022). Nguồn: CTS
Xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine tác động tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó vận chuyển container không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến giá năng lượng tăng vọt, với tác động kép là tăng chi phí vận hành dẫn đến lạm phát tăng cao.
Khi người tiêu dùng cảm nhận lạm phát rõ rệt, nhu cầu mua sắm sẽ giảm đáng kể, từ đó làm chậm lại nhu cầu vận chuyển hàng hóa container.
Trong khi đó, các hãng vận tải và chủ tàu đang đua nhau mở rộng trọng tải mới cho các tàu chở hàng. Lloyd's list cho biết, năm 2023 sẽ có thêm 7 triệu TEU công suất theo đơn đặt hàng, chiếm 30% công suất đội tàu hiện có, trong khi dự báo tăng trưởng nhu cầu trong vài năm tới là khoảng 3%.
Nếu điều này trùng hợp với sự giảm bớt tắc nghẽn, vốn đang chiếm 10% -12% công suất, thì bóng ma về tình trạng thừa container lại xuất hiện, ít nhất là trong ngắn hạn.
Hơn nữa, ở Mỹ, việc thông qua Đạo luật Cải cách Vận tải biển 2022 (OSRA22) đã một lần nữa đưa hành vi của các hãng vận tải trở thành tâm điểm chú ý nhằm hạ chi phí vận tải. Các hãng vận chuyển, chủ tàu có thể phải đối mặt với áp lực pháp lý nhiều hơn trong thời gian tới.