Nếu như ngành nông nghiệp tái cơ cấu trồng trọt, cấp mã, quy hoạch vùng trồng, nhưng không giải quyết được vấn đề bến bãi, đội tàu, năng lực hậu cần logistics phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, thì câu chuyện ùn ứ nông sản vẫn tiếp diễn. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ và Bộ NNPTNT đã chỉ rõ: Để phát triển nông nghiệp, không thể “bỏ ngỏ” vấn đề logistics.
Xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn thành “nơi đáng sống”
Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giải quyết câu chuyện “được mùa rớt giá” hay vấn đề ùn ứ nông sản, Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp (NN) đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược khẳng định nông nghiệp (NN) là nền tảng bền vững của quốc gia. Khẳng định vai trò của Chiến lược, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Lần đầu tiên Việt Nam có một Chiến lược toàn diện, bao trùm về lĩnh vực NN, nông dân, nông thôn, xác định chuyển từ “tuy duy sản xuất NN” sang tư duy kinh tế NN, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.
“Chiến lược lần này sẽ được định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của NN, nông thôn và nông dân, góp phần thay đổi diện mạo xã hội ở nông thôn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền NN hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp. Về phát triển thị trường, đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản…
Logistics - “cánh tay nối dài” để phát triển nông nghiệp
Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn, ngoài hàng loạt vấn đề về chính sách đất đai, thương mại là vấn đề cần được coi trọng, trong đó, logistics chính là “cánh tay nối dài” của thương mại. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa. Điển hình như hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng: Với khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như lượng hàng hóa xuất khẩu (XK) khá lớn đòi hỏi cần có hạ tầng logistics đủ lớn và hiện đại để xử lý được các nguồn hàng hóa mà không gây ách tắc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, hạ tầng logistics cũng như hoạt động logistics là một chủ đề nóng, được quan tâm. “Tuy nhiên, dù hạ tầng logistics ở Việt Nam đã hình thành, nhưng còn manh mún và chưa có một quy hoạch đồng bộ” - ông Trần Thanh Hải thẳng thắn nêu vấn đề.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trong năm 2022, cần rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, qua đó chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025 - 2035. Các vấn đề chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận tải biển vẫn là vấn đề nóng. Do vậy, cần bám sát tình hình giá cước vận tải biển, kiểm tra, rà soát đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết, công khai giá; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí vận tải tăng cao…
Về tiềm năng phát triển logistics trong tương lai, ngày 22.2.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg, theo đó đặt mục tiêu “đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Quyết định sẽ là căn cứ quan trọng cho việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm phát triển logistics quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, Quyết định số 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1.4.2021 phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh trong đó có logistics.
* Ông Đặng Vũ Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS): Trong 3-5 năm tới, các DN vẫn còn cơ hội khá tốt để đầu tư phát triển hạ tầng logistics ở Việt Nam. Do ngành dịch vụ logistics đang thiết lập một mặt bằng giá mới rất rõ ràng. Nếu đầu tư càng nhanh, càng có thể tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Các DN có thể lấy kho làm nền tảng để xây dựng mạng lưới nhân lực, công nghệ xoay quanh kho; nắm bắt dòng dịch chuyển của hàng hóa, nhân sự, công nghệ để nắm bắt được những vị trí tốt nhất, ít nhất phải đáp ứng được 2 điều kiện một là phải tiện lợi từ góc độ kết nối vùng miền và các cửa ngõ quốc gia. Bên cạnh đó phải đủ quy mô để có thể tận dụng lợi thế giảm giá thành…
* Ông Craig A. Duffy - Giám đốc điều hành Bộ phận Quản lý Quỹ - Tập đoàn kho vận GLP: Dòng tiền đầu tư đến từ các tập đoàn chuyên nghiệp vào phân khúc logistics tại Châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ và đặc biệt tại Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ vào dân số năng động, nền kinh tế đang ngày càng phát triển và sự gia tăng tiêu dùng nội địa của tầng lớp trung lưu.
* TS Trần Hữu Hiệp - Đại học FPT Cần Thơ: Chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang ở mức cao khoảng 20%, riêng khu vực ĐBSCL cao một cách bất hợp lý đến 30% giá thành sản phẩm, trong khi của Thái Lan chỉ hơn 12% và bình quân chung thế giới hơn 14%. Gánh nặng chi phí logistics là một trong những nguyên nhân khiến nông sản ĐBSCL bị kìm hãm, giảm sức cạnh tranh.