Sản lượng hàng hoá qua cảng biển giảm tốc vì đâu?

Sản lượng hàng hoá qua cảng biển giảm tốc vì đâu?

Sản lượng hàng hoá qua cảng biển tăng trưởng chậm lại, giảm tốc so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân như giá cước vận chuyển dù hạ nhiệt nhưng vẫn "neo" cao, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát tăng trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm...

Sản lượng container qua cảng tăng trưởng chậm lại, ở mức 1% so với cùng kỳ.

Sản lượng container qua cảng tăng trưởng chậm lại, ở mức 1% so với cùng kỳ.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Báo cáo đánh giá kết quả công tác những tháng đầu năm, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá chất lượng dịch vụ hàng hải ngày càng được nâng cao, sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển duy trì mức tăng trưởng.

Theo đó, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 6 tháng năm 2022 đạt 371,64 triệu tấn, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành hơn 51% kế hoạch. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2022 đạt 12,75 triệu TEUs, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, cũng hoàn thành hơn nửa chặng đường.

Cùng với đó, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải, mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị chủ động, quyết liệt triển khai, đặc biệt là phối hợp với các địa phương để tìm vị trí đổ chất nạo vét và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

"Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả như việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam và thủ tục điện tử cho tàu thuyền trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính",  lãnh đạo Cục Hàng hải cho hay.

Năm 2022 đặt mục tiêu lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam đạt hơn 725 triệu tấn. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển đạt 25 triệu TEUs.

Lý giải nguyên nhân hàng hóa qua cảng biển tăng chậm so với cùng kỳ, giới phân tích cho rằng thứ nhất, giá cước vận chuyển container trung bình đã giảm 30% từ tháng 2 nhưng vẫn duy trì gấp 5 lần mức trước dịch.


Tại thị trường trong nước, giá cước tiếp tục được hỗ trợ bởi tình trạng thiếu cung tàu và điều chỉnh tăng cho một số tuyến có nhu cầu cao trong quý 1. 

Thứ hai, do giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến các hãng vận tải cũng áp dụng thêm phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAF) để bù đắp việc chi phí nhiên liệu tăng.

Đối với thị trường cho thuê, giá thuê vẫn ổn định và chỉ giảm nhẹ 5% từ mức đỉnh. Thị trường cho thuê có ít thay đổi do tình trạng thiếu tàu container tiếp tục kéo dài do tắc nghẽn tại các cảng. Mặc dù vậy, thời hạn hợp đồng rút ngắn lại xuống dưới 2 năm từ mức 2-5 năm trong giai đoạn đỉnh điểm.

Thứ ba, chính sách hạn chế đi lại, theo đuổi “Zero Covid” của Trung Quốc - quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu, khiến sản lượng hàng hoá qua cảng chịu ảnh hưởng.

Thứ tư, lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa. Việt Nam với nền kinh tế mở khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng này.

Do đó, nhu cầu vận tải container có thể giảm tốc về mức tăng trưởng một chữ số và giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại. Tuy nhiên, quá trình "bình thường hóa" sẽ phụ thuộc lớn vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023.

Trong những tháng cuối năm 2022, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Bộ Giao thông vận tải ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.