Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đang có nhiều tín hiệu tích cực, với kết quả đạt gần 28 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Thông tin trên được ghi nhận tại cuộc tọa đàm bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cho ngành nông, lâm, thuỷ sản vào ngày 26-7. Sự kiện do Tạp chí Hải quan tổ chức tại TPHCM đã thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong ngành.
Theo ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) trong nửa đầu năm nay, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm của Việt Nam có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ đô la, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.
Trong đó, Mỹ nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 7,61 tỉ đô la (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỉ đô la, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế… Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang Nga – Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa… Đáng chú ý là tình trạng mặt hàng nông, thủy sản ùn tắc tại một số cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua cũng làm giảm hiệu suất của ngành.
Trước thực tế khó khăn này, các ý kiến cho rằng ngành nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến để nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản vào các thị trường truyền thống của Việt Nam, cũng như các thị trường mà có tham gia các Hiệp định EVFTA, CPTPP…
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đào Duy Tám cho rằng hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản được nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan.
Tuy nhiên, ông Tám cũng thừa nhận do những nguyên nhân khách quan là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp, đã xuất hiện biến chủng mới khiến nhiều quốc gia còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch, gây hạn chế nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, ngành hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản cần lưu ý nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan. Song song đó, các doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế.
Các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai… Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống. Riêng với thủ tục hành chính, doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.
Tại tọa đàm, bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ công tác miền Nam – Cục Xúc tiến thương mại nêu lên một loạt vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp để tận dụng được ưu đãi từ các FTA, đưa hàng vào những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, và thích ứng với những quy định mới của thị trường Trung Quốc.