Lưu ý doanh nghiệp khi xin C/O xuất khẩu

Lưu ý doanh nghiệp khi xin C/O xuất khẩu

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế của FTA mang lại. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm và nắm bắt được công cụ này.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O (Certificate of Original) là một chứng từ quan trọng trong bộ hồ sơ xuất nhập khẩu. C/O do cơ quan có thẩm quyền hay đại diện có thẩm quyền tại nước xuất khẩu cấp để chứng minh xuất xứ của sản phẩm nước đó và hưởng thuế suất ưu đãi cho hàng hóa có xuất xứ được ghi trên C/O theo các hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia/ liên minh/ vùng lãnh thổ. Tuy nhiên không phải có C/O hợp lệ thì hàng hóa sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất, có một số C/O chỉ đơn giản là để chứng minh xuất xứ.


Tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 26/7, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM đặc biệt nhấn mạnh vai trò của C/O trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Theo đó, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thế mạnh của Việt Nam, doanh nghiệp nên tận dụng các FTA đã có hiệu lực.



Hiện đã có 15 FTA có hiệu lực, nhưng theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng được các FTA này còn rất ít. Trong năm 2021, tỷ lệ tận dụng chỉ ở mức 33%, trong đó bao gồm cả 4 FTA đã hoàn thành chương trình cắt giảm thuế quan.


“Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc tận dụng lợi thế từ các FTA vì cho rằng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này hiện đã được hưởng thuế suất 0% nên không cần xin C/O nữa. Thậm chí có doanh nghiệp không biết cách xin C/O cho hàng hóa của mình” – ông Thiện chia sẻ.

Cũng liên quan tới vấn đề C/O, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như hồ tiêu, hạt điều, cà phê với doanh số xuất khẩu hàng năm tới 300 triệu USD, cũng có những chia sẻ hữu ích.


Cụ thể, khi nhập khẩu điều thô về chế biến để xuất khẩu, Công ty Phúc Sinh thường sử dụng C/O form B - loại C/O không có ưu đãi về thuế. Để xin được C/O form B thì phải đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí là tiêu chí chuyển đổi phân nhóm (CTSH), tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC) và tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO). Hiện đa số doanh nghiệp Việt Nam xin C/O form B theo tiêu chí WO, tuy nhiên tiêu chí này doanh nghiệp rất khó đạt được. Ví dụ mặt hàng điều, có tới 40-60% điều nhân xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.


Tại Công ty Phúc Sinh, khi xin C/O form B theo tiêu chí WO đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, truy xuất và kê khai bảng kê. Tiếp đó là thách thức khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan.


“Chúng tôi đã tham vấn bộ phận pháp chế của VCCI về các bộ hồ sơ xin xuất xứ của các lô hàng hạt điều nhóm HS code 08013200 và nhận được công văn trả lời rằng: để đạt được C/O form B không có ưu đãi thuế doanh nghiệp chỉ cần đạt 1 trong 3 tiêu chí WO hay CTSH hay LVC. Trong đó, tiêu chí CTSH và LVC thì dễ dàng và có sự chủ động từ doanh nghiệp, còn tiêu chí WO thì bị động từ nhà cung cấp” – ông Thông chia sẻ.


Do đó, ông Thông đề xuất Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan Hải quan nên có khuyến cáo rộng rãi cho các doanh nghiệp để thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục về C/O.