Từ đầu tháng 7 đến nay, quản lý thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra, kiểm soát và ký cam kết với gần 100 hộ kinh doanh thịt lợn tại các chợ trung tâm, điểm chợ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, với những biến động về giá cả theo chiều hướng tăng của thị trường khiến sức mua của người dân có chiều hướng giảm hơn. Nếu trước đây, giá thịt lợn ở mức trung bình, tiểu thương có thể bán được 1 con/ngày thì hiện nay có hộ chỉ bán được nửa con/ngày.
Công chức quản lý thị trường thực hiện tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm thương mại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo sát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên khảo sát giá bán (1 tuần/lần); phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền các hộ kinh doanh không tăng giá quá mức.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, trước biến động về giá cả thị trường nói chung, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn nói riêng.
Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã dự thảo văn bản trình Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng trên tuyến biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn quản lý để chống việc xuất lậu đối với mặt hàng thịt lợn hơi.
Trong thị trường nội địa, Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường tuyên truyền, ký cam kết, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với mặt hàng thịt lợn về việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không lợi dụng việc tăng giá của xăng dầu và các mặt hàng khác để tăng giá đột biến, gây rối loạn thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dạo một vòng quanh chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn, các tiểu thương cho biết: Giá cả đầu vào tăng cao nên khiến người bán cũng phải lên giá theo.
Cùng với đó, việc khan hiếm nguồn thịt lợn vì ở những địa phương tập trung chăn nuôi nhiều, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn hàng cũng trở nên hiếm hơn. Từ đó, giá thịt lợn hơi lên cao từ 68-70 nghìn đồng/kg khiến giá lợn thành phẩm cũng tăng theo.
Công chức Đội Quản lý thị trường số 1 đi nắm tình hình thị trường, khảo sát giá mặt hàng thịt lợn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục về việc kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, nhất là kiểm tra, kiểm soát giá cả mặt hàng thịt lợn.
Qua kiểm tra nắm địa bàn thành phố Lạng Sơn, nhất là sau 3 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, dù giá cả xăng dầu đã có những biến động giảm tương đối đáng kể nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn; trong đó, có giá cả mặt hàng thịt lợn vẫn có biến động tăng, chưa có sự đồng pha giảm giá tương ứng.
Kết quả rà soát, nắm địa bàn tại thành phố Lạng Sơn cho thấy, hiện có khoảng 170 cơ sở kinh doanh mặt hàng thịt lợn và có khoảng 8 cơ sở giết mổ với quy mô vừa. Vì vậy, Đội đã tiến hành tuyên truyền, cử các Tổ công tác đến tuyên truyền, ký cam kết đối với các hộ kinh doanh mặt hàng thịt lợn để các hộ kinh doanh nắm được các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Từ đó chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn như thú y, lực lượng ban ngành khác để tiếp tục tuyên truyền để các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hộ qua tuyên truyền nhưng vẫn không chấp hành tốt, chấp hành nghiêm các quy định.
Đặc biệt, tại 11/11 huyện, thành phố các Tổ, Đội Quản lý thị trường đã trực tiếp xuống các chợ, điểm chợ khảo sát giá mặt hàng thịt lợn, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường.
Sau quá trình theo dõi, kiểm tra giá cả mặt hàng thịt lợn tại địa bàn Lạng Sơn có những biến động theo từng thời điểm. Hiện nay, giá thịt ba chỉ ở mức cao, giao động từ 120 - 130 nghìn/kg; thịt mông, vai 110 nghìn/kg; chân giò 90 nghìn/kg; xương 130 nghìn/kg; mỡ 85 nghìn/kg…
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tại các quầy hàng đến kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chú ý việc kiểm định cân theo đúng quy định để đảm bảo cân đúng, cân đủ cho khách hàng.
Đồng thời, thực hiện ký cam kết đối với các hộ kinh doanh mặt hàng thịt lợn về việc thực hiện văn minh thương mại, bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Công chức Đội Quản lý thị trường số 4 thực hiện ký cam kết với hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bà Vi Thị Thao, số nhà 13, Khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc chia sẻ, vừa qua giá cả thịt lợn tăng cao, dao động từ 10-20 nghìn đồng/kg nhưng thấy lực lượng chức năng đi tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu các hộ niêm yết giá nên người tiêu dùng cũng thấy yên tâm hơn. Hy vọng thời gian tới, giá cả thị trường mặt hàng thịt lợn ổn định hoặc giảm hơn để dễ chi tiêu cũng như hợp túi tiền của các bà nội trợ.
Qua khảo sát thị trường, tại Lạng Sơn hiện nay thịt lợn một phần được nhập từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La.., một phần các chợ trung tâm tại các huyện, thành phố thu mua tại các xã Vạn Linh (Chi Lăng); Đồng Tiến, Minh Sơn (Hữu Lũng); Vũ Lăng (Bắc Sơn); Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn)….
Nguyên nhân giá thịt lợn có những biến động, nhất là có những thời điểm tăng cao được biết một phần là do chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi cao, kéo theo chi phí chăn nuôi cao.
Với việc chăn nuôi bấp bênh, một vài năm trở lại đây nhiều nơi thua lỗ vì thu nhập không đủ bù chi phí sản xuất nên người chăn nuôi còn mang tâm lý dè dặt, chưa vội tái đàn, dẫn đến khan hiếm nguồn cung.
Cùng với đó, tại một số nơi do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh khiến tổng đàn lợn cũng giảm nhiều hoặc nếu nhập nguồn hàng từ xa về thì chi phí vận chuyển tăng cao do giá cả xăng dầu biến động..
Khi giá thịt lợn hơi tăng sẽ tác động đến mức giá thịt thành phẩm tăng. Chính vì vậy, việc giữ giá thịt lợn hơi ổn định sẽ giúp ổn định đời sống của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.
Tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục duy trì theo dõi thường xuyên di biến động của thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng biến động của thị trường để găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phối hợp kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng thịt lợn…để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.