Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên nhiên liệu thế giới dưới tác động xung đột quân sự và chính trị giữa một số quốc gia.
Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên nhiên liệu thế giới dưới tác động xung đột quân sự và chính trị giữa một số quốc gia.
Theo báo cáo vừa được Tổng Cục Thống kê công bố: Về tổng quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng năm 2022 đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức 2 con số, tương ứng là 17,3%; và 15,5%. Theo đó, đưa cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đạt xuất siêu 710 triệu USD và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Đại diện Tổng Cục Thống kê cho rằng, kết quả trên cho thấy xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Điểm sáng của xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thể hiện qua 4 điểm:
Thứ nhất, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong 6 tháng đạt 92,7 tỷ USD, tăng 18,0% so cùng kỳ, cao hơn 2,5 điểm phần trăm tốc độ tăng chung của nhập khẩu. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu của sản xuất trong nước và sản xuất phục vụ xuất khẩu phục hồi khá sau đại dịch COVID-19.
Thứ hai, trong tổng xuất khẩu hàng hóa 6 tháng, ngoài những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, điện thoại, máy tính và linh kiện, thì xuất khẩu một số nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh cũng đạt tăng trưởng rất cao. Cụ thể: thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 39,6%; cà phê đạt 2,3 tỷ USD, tăng 49,7%; hạt tiêu đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 783 triệu USD, tăng 28,0%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc ghi nhận 472 triệu USD, tăng 19,5%.
Thứ ba, xuất khẩu một số nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu cũng tăng cao như: hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, giấy và các sản phẩm giấy. Bên cạnh đó, xuất khẩu các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cuối cùng của thế giới cũng tăng khá tốt.
Thứ tư, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực, có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá như: Hoa Kỳ (55,9 tỷ USD, tăng 22,5%); EU (23,6 tỷ USD, tăng 21,6%); và Trung Quốc (26,3 tỷ USD, tăng 7%).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát và kết thúc, nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng lên (cả về các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cuối cùng và nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất), cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì tăng trưởng cao, dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong thời gian tới hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên nhiên liệu thế giới dưới tác động xung đột quân sự và chính trị giữa một số quốc gia. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cao sẽ kéo giá nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ hoạt động gia công sản xuất tăng. Vì vậy đây cũng là thách thức của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.