Gần 71.000 doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Gần 71.000 doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN là một trong những công tác nổi bật về đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan.


250 thủ tục được kết nối

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các nội dung quan trọng này.

Cập nhật đến ngày 15/5/2024, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, với sự tham gia của trên 70.800 doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.

Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch.

Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Về triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, nước ta đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.


Cung cấp 132 dịch vụ công toàn trình

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu của 100% thủ tục đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi cho tiếp cận, thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ thu thuế, hoàn thuế trên môi trường số.

Cụ thể, ngày 22/4/2024, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1680/TCHQ-CNTT gửi 11 bộ, ngành đề nghị phối hợp thực hiện một số công việc phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp đó, ngày 4/5/2024, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đề nghị phối hợp đôn đốc các bộ, ngành sớm gửi kết quả rà soát.

Ngày 15/5/2024, Tổng cục Hải quan đã tham dự cuộc họp do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì để đôn đốc tiến độ triển khai công việc.

Song song đó, Tổng cục Hải quan cơ bản hoàn thành xây dựng, tích hợp ứng dụng để tra cứu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Trục liên thông văn bản quốc gia đối với các dịch vụ do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cung cấp.

Với các dịch vụ được triển khai trên Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Cục Chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) để thực hiện kết nối.

Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hiện nay, tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan là 225 thủ tục.

Trong đó, có 214 thủ tục do cơ quan Hải quan thực hiện gồm: 132 thủ tục được cung cấp DVCTT toàn trình; 61 thủ tục được cung cấp DVCTT một phần; 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến.

Đối với triển khai xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, Tổng cục Hải quan đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai các thủ tục tiếp theo.


Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/