6 tháng đầu năm 2022, EU đưa ra 9 cảnh báo về an toàn thực phẩm với rau quả, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.
TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) – cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.
So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Chia theo nhóm lĩnh vực, có 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%. Đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, Hoa Kỳ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.
Phân tích một số cảnh báo của thị trường EU đối với sản phẩm rau quả tươi và đã chế biến, ông Ngô Xuân Nam cho biết từ tháng 01-6/2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.
Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin... trong quá trình sơ chế, chế biến.
Ông Nam nhấn mạnh, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. “Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) - WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cho hay, cập nhật từ tháng 01 - 6/2022 không có thông báo thay đổi biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) liên quan đến sản phẩm rau quả.
Tuy nhiên, doanh nghiệp khi xuất khẩu rau quả chế biến sang thị trường này phải tuân thủ theo các quy định Lệnh 248 và Lệnh 249, các thỏa thuận đã ký giữa hai bên. Đến ngày 7/7/2022. Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam 2.213 mã sản phẩm cho hơn 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, khoảng 2 năm Trung Quốc sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO. “Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023”, ông Ngô Xuân Nam thông tin thêm.