Tại hội nghị đối thoại giữa Cục Hải quan TPHCM với doanh nghiệp XNK vào cuối tuần qua, nhiều nội dung liên quan đến áp mã HS, kiểm tra sau thông quan... được các doanh nghiệp nêu vướng mắc.
Để xác định đúng mã HS
Liên quan đến áp mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu, một số doanh nghiệp cho rằng, có những trường hợp, việc xác định mã HS đúng đối với doanh nghiệp rất khó. Nên khi áp sai mã, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính, có những trường hợp bị phát hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp bị truy thu thuế, xử phạt với số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp...
Giải đáp vướng mắc của doanh ngiệp, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho rằng, về nguyên tắc một mặt hàng chỉ có một mã số, việc khai báo sai mã số có nhiều nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Trên thực tế, có những mặt hàng đặc thù để áp đúng mã số HS cũng rất khó khăn, phải tham khảo ý kiến nhiều bên liên quan.
Từ thực tế trên, Cục Hải quan TPHCM lưu ý doanh nghiệp nên chủ động tận dụng tối đa quyền được xác định trước mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu. Thủ tục và điều kiện thực hiện quyền được xác định trước mã HS đã được quy định cụ thể tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ; khoản 11, Điều 1 Nghị Định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ; hồ sơ xác định trước mã số thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan, để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Theo đó, doanh nghiệp cần dự kiến thời gian hàng hóa nhập khẩu để làm hồ sơ trước, tránh trường hợp, hàng về cửa khẩu mới thực hiện phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì theo quy định, thời gian ban hành mã HS trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ; đối với trường hợp phức tạp, thời gian là 60 ngày.
Hậu kiểm nhằm tạo thuận lợi thương mại
Chia sẻ từ thực tế tại cửa khẩu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 Lê Chiến Thắng cho rằng, có những trường hợp khi khai báo hải quan, doanh nghiệp không khai đầy đủ dữ liệu, chi tiết hàng hóa để cơ quan Hải quan có đủ cơ sở xác định đúng tên hàng, mã số. Đối với những đơn vị có số lượng tờ khai hải quan lớn, công chức hải quan không đủ thời gian để rà soát cho doanh nghiệp, nên việc chuyển từ kiểm sang hậu kiểm là phù hợp. Theo quy định, có những mặt hàng cùng tên, loại hàng hóa, khi điều chỉnh thuế suất lại căn cứ vào mục đích sử dụng của loại hàng hóa đó.
Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý Vương Tuấn Nam- Cục Hải quan TPHCM, để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan đã áp dụng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bản chất của kiểm tra sau thông là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra sau thông quan, để thực hiện hỗ trợ kiểm tra các khâu trước thông quan, do vậy hoạt động này là hoạt động bình thường, cần thiết, thuận lợi cho thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.
Lưu ý doanh nghiệp về áp mã HS, ông Đạng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý cho biết, HS hiện nay được thực hiện theo phiên bản 2022 của WCO, đã được Bộ Tài chính nội luật hóa bằng Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022, có hiệu lực từ 30/12/2022. Với phiên bản này, từ 1/4/2023 trở đi khi nộp hồ hải quan doanh nghiệp cần xem xét kỹ vì 833 dòng hàng mã HS phiên bản 2017 không còn trong phiên bản 2022.
Các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ưu đãi đặc biệt của Việt Nam hiện hành cũng đều được thiết kế trên nền tảng của Thông tư 31/2022/TT-BTC nói trên. Để phân loại hàng hóa theo mã HS, cần phải nắm chắc 6 Quy tắc phân loại, nghiên cứu kỹ các Chú giải Phần, Chương, Nhóm, Phân nhóm của Hệ thống HS.
Đây là một nội dung không dễ đối với những người không thường xuyên tiếp cận. Do đó nếu doanh nghiệp thường xuyên làn thủ tục hải quan, nên cử nhân viên tham dự các lớp đào tạo chuyên sâu về nội dung này, để tránh sai sót.
Để tham vấn cụ thể mã HS của mặt hàng nào đó mà người khai hải quan còn thấy khó khăn, ngoài thực quyền được xác định trước mã HS, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin trên Cổng thông tin của Tổng cục Hải quan, cục hải quan các địa phương; tham vấn với Phòng Thuế XNK, Cục Hải quan TP HCM, hoặc liên hệ trực tiếp với chi cục hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/