Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 18,18 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc... giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 20 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 53,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,77 nghìn tấn, trị giá 9,74 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con.
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2022 gồm các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Trong việc xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu thịt của Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, các chuyên gia cho rằng, xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được với chăn nuôi của Việt Nam. Đó là nền chăn nuôi mà ở đó chăn nuôi được quy hoạch, chăn nuôi được sản xuất theo kế hoạch và đặc biệt vận hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong vài năm nữa, chăn nuôi Việt Nam sẽ có bước chuyển mạnh, tăng chất lượng cho thịt và các sản phẩm từ thịt để xuất khẩu. Bởi, gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín, đặc biệt là có chế biến sâu như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư tổ hợp giá trị 250 triệu USD tại Bình Phước với mục tiêu 45% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tại Hà Nội; Masan đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…